Hàng thừa kế là một trong những nội dung quan trọng của luật thừa kế. Bởi đây là căn cứ để phân chia di sản thừa kế theo pháp luật, trong những trường hợp không có di chúc hoặc di chúc không hợp pháp. Cụ thể, các hàng thừa kế được pháp luật quy định như thế nào? Bạn có thể tham khảo thông tin trong bài viết này để được rõ hơn.

Hoặc liên hệ tới số Hotline: 0908 693 464, luật sư thừa kế Tán Lê Thảo Duyên sẽ là người trực tiếp tư vấn, giúp bạn hiểu rõ hơn về hàng thừa kế.

1. Cơ sở pháp lý

– Luật dân sự 2015;

2. Quy định về hàng thừa kế của pháp luật

Điều 651 Luật dân sự 2015 quy định người thừa kế theo pháp luật, như sau:

Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật

1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

Như vậy, để trả lời câu hỏi các hàng thừa kế gồm những ai? Bạn sẽ dựa vào quy định nêu trên. Cụ thể hơn:

a. Hàng thừa kế thứ nhất

Vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

Quan hệ thừa kế giữa vợ với chồng:

Vợ, chồng sẽ được thừa kế ở hàng thừa kế thứ nhất của nhau nếu vào thời điểm một bên chết mà quan hệ hôn nhân về mặt pháp lý vẫn còn tồn tại. Đặc biệt cần lưu ý đối với các trường hợp cụ thể tại điều 655 bộ luật dân sự 2015, như sau:

– Trong trường hợp vợ, chồng đã chia tài sản chung trong thời kì hôn nhân mà sau đó một người chết thì người còn sống vẫn được hưởng thừa kế di sản.

– Trong trường hợp vợ, chồng xin ly hôn mà chưa được hoặc đã được Tòa án cho ly hôn bằng bản án hoặc quyết định chưa có hiệu lực pháp luật, nếu một người chết thì người còn sống vẫn được hưởng di sản thừa kế.

– Người đang là vợ hoặc chồng của một người tại thời điểm người đó chết thì dù sau đó đã kết hôn với người khác vẫn được thừa kế di sản.

– Tuy nhiên, cũng cần lưu ý đối với trường hợp một người có nhiều vợ, nhiều chồng trước ngày 13/1/1960 ở Miền Bắc, trước ngày 25/8/1977 ở Miền Nam, cán bộ Miền Nam tập kết ra Bắc (trong khoảng thời gian từ năm 1954 đến 1975) lấy vợ, lấy chồng khác và kết hôn sau không bị Tòa án hủy bằng bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật. Trong trường hợp này vợ, chồng được hưởng thừa kế ở hàng thừa kế thứ nhất của tất cả những người chồng (vợ) và ngược lại.

Quan hệ thừa kế giữa cha mẹ đẻ với con đẻ và cha mẹ nuôi và con nuôi:

– Cha đẻ, mẹ đẻ của một người là người đã sinh ra người đó. Do vậy, cha mẹ của người con trong giá thú hoặc ngoài giá thú đều là người thừa kế ở hàng thứ nhất của con mình và ngược lại.

– Đối với quan hệ cha mẹ nuôi và con nuôi sẽ là hàng thừa kế thứ nhất của nhau nếu việc nhận nuôi được đăng ký theo quy định của pháp luật.

b. Hàng thừa kế thứ hai

– ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết;

– cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

– Để xác định hàng thừa kế thứ hai cần làm rõ các khái niệm ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại và anh chị em ruột.

– Cụ thể ông nội, bà nội là người đã sinh ra cha của một người; ông ngoại, bà ngoại là người đã sinh ra mẹ của người đó. Anh, chị, em ruột là những người có cùng ít nhất cha hoặc mẹ. Quan hệ này chỉ được xác định trên quan hệ huyết thống.

c. Hàng thừa kế thứ ba

– cụ nội, cụ ngoại của người chết;

– bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết;

– cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột;

– chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

– Cụ nội là người đã sinh ra ông nội hoặc bà nôi của một người. Tương tụ cụ ngoại là người đã sinh ra ông ngoại hoặc bà ngoại của người đó.

– Bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của một người là những anh, chị, em ruột của bố đẻ hoặc mẹ đẻ của người đó.

3. Nguyên tắc và trình tự hưởng di sản đối với các hàng thừa kế

Khoản 2 và Khoản 3 Điều 651 Luật dân sự 2015 quy định nguyên tắc hưởng di sản thừa kế. Cụ thể:

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

Theo đó:

– Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

– Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do:

  1. đã chết,
  2. không có quyền hưởng di sản,
  3. bị truất quyền hưởng di sản,
  4. hoặc từ chối nhận di sản.

– Nếu không có ai là người thừa kế ở hàng thừa kế thứ ba thì di sản sẽ thuộc về Nhà nước.

4. Các câu hỏi liên quan tới hàng thừa kế

Khi nào hàng thừa kế thứ hai được hưởng di sản thừa kế?

Luật sư trả lời:

Dựa theo quy định thừa kế theo pháp luật thì hàng thừa kế thứ hai được hưởng di sản thừa kế khi:

– Người chết không để lại di chúc, hoặc di chúc không hợp pháp;

– Di sản thừa kế được phân chia theo pháp luật;

– Hàng thừa kế thứ nhất không còn ai, do đã chết hoặc không có quyền hưởng di sản;

– Người ở hàng thừa kế thứ nhất bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản thừa kế;

Mỗi người thuộc hàng thừa kế thứ hai khi được áp dụng quyền thừa kế di sản thì được hưởng phần tài sản bằng nhau.

Con dâu thuộc hàng thừa kế thứ mấy?

Luật sư trả lời:

Điều 651 Luật dân sự 2015 quy định về người thừa kế theo pháp luật, trong đó không bao gồm con dâu.

Khi bố mẹ chồng mất có để lại di sản thì những người thừa kế theo pháp luật được hưởng phần di sản bằng nhau. Nếu chồng chết trước mà các con còn nhỏ dưới 18 tuổi thì vợ có thể đại diện cho các con nhận di sản thừa kế, ngược lại khi con đủ 18 trở lên hoặc vợ chồng không có con cái thì con dâu không có quyền tranh chấp đối với tài sản của bố mẹ chồng để lại.

Con nuôi thuộc hàng thừa kế thứ mấy?

Luật sư trả lời: Con nuôi thuộc hàng thừa kế thứ nhất. Theo quy định tại Hàng thừa kế thứ nhất.

Con riêng thuộc hàng thừa kế thứ mấy?

Luật sư trả lời:

Các hàng thừa kế quy định tại Điều 651 Luật dân sự 2015 không nhắc đến con riêng. Như vậy, con riêng không thuộc trường hợp được hưởng di sản thừa kế. Tuy nhiên, người này vẫn có thể được hưởng thừa kế trong các trường hợp sau đây:

1. Người có di sản để lại di chúc cho con riêng

– Di chúc hợp pháp;

– Di chúc để lại di sản thừa kế cho con riêng.

2. Khi cha dượng, mẹ kế chung sống với con riêng

Ngoài ra, Điều 654 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định về quan hệ thừa kế giữa con riêng và bố dượng, mẹ kế. Theo đó, con riêng và bố dượng, mẹ kế nếu có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng như cha con, mẹ con thì được thừa kế di sản của nhau và được thừa kế thế vị được quy định tại Điều 652 Bộ luật Dân sự 2015.

5. Liên hệ nhận tư vấn thừa kế miễn phí

Trên đây là những thông tin cơ bản về hàng thừa kế theo luật dân sự 2015. Nếu bạn còn thắc mắc, cần được luật sư thừa kế tại Dĩ An giải đáp, bạn hãy liên hệ tới Văn phòng luật sư Dĩ An của chúng tôi theo thông tin bên dưới. Chúng tôi luôn sẵn sàng tư vấn miễn phí, trả lời câu hỏi nhanh chóng, chính xác. Xin chân thành cảm ơn!

– Văn phòng luật sư Dĩ An Bình Dương

– Địa chỉ: 107 đường GS14 (Võ Thị Sáu), K.P Tây B, P. Đông Hoà, T.X Dĩ An, Bình Dương.

– Điện thoại: 0908 693 464

– Email: luatsudian@gmail.com