Vấn đề chia thừa kế vốn dĩ phức tạp bởi sự chồng chéo của nhiều bộ luật và sẽ phức tạp hơn nếu có thêm yếu tố nước ngoài. Để tìm hiểu vấn đề này, mời bạn đọc tham khảo nội dung bài viết Phân chia di sản thừa kế khi có người thừa kế định cư ở nước ngoài dưới đây của Văn phòng luật Dĩ An.

Khách hàng đặt câu hỏi

Chào luật sư, căn nhà của gia đình tôi do cha mẹ tôi đứng tên nhưng hiện tại bố mẹ của tôi không còn sống nữa. Tôi muốn hỏi làm thế nào để tôi có thể đứng tên giấy tờ nhà? Gia đình tôi đông anh em, có 09 người, trong đó có 01 người định cư tại nước ngoài. Khi làm giấy ủy quyền cho tôi, chỉ cần khai báo những người ở Việt Nam mà không khai báo người định cư ở nước ngoài có được không? Mong luật sư tư vấn, cảm ơn luật sư.

Luật sư trả lời

Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tới chuyên mục Hỏi đáp pháp luật của chúng tôi, trường hợp chia thừa kế khi có người định cư ở nước ngoài mà bạn đang quan tâm, luật sư tư vấn như sau:

Nhà do bố mẹ bạn đứng tên, nhưng nay bố mẹ bạn đã mất. Trường hợp bố mẹ bạn không để lại di chúc thì việc phân chia di sản thừa kế sẽ tuân thủ hình thức chia thừa kế theo pháp luật.

Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015 quy định

1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

 a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

 b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

 …

 2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau

Theo đó, tất cả những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của bố và mẹ bạn sẽ được hưởng một phần di sản thừa kế bằng nhau, bao gồm: cha mẹ đẻ (ông bà nội ngoại của bạn), cha mẹ nuôi của bố và mẹ bạn (nếu còn), con đẻ, con nuôi của bố mẹ bạn, gồm 09 người con.

Do đó, để bạn đứng tên trên giấy tờ nhà, thì các thành viên thuộc hàng thừa kế thứ nhất, phải làm thủ tục nhường phần thừa kế họ được hưởng cho bạn hoặc họ làm thủ tục từ chối nhận di sản thừa kế do bố mẹ bạn để lại.

Trong trường hợp bố mẹ bạn có 01 người con đang định cư ở nước ngoài, thì khi làm thủ tục chia di sản thừa kế của bố mẹ bạn, cũng phải kê khai thông tin của người này. Nếu người này không thể về Việt Nam để trực tiếp ký tên vào văn bản thoả thuận phân chia di sản, thì họ có thể lập 01 trong 02 văn bản sau:

Văn bản từ chối nhận di sản thừa kế: văn bản này sẽ được chứng thực tại Cơ quan lãnh sự quán Việt Nam tại nước họ đang cư trú.

Hoặc Văn bản uỷ quyền (Hợp đồng uỷ quyền) cho một người tại Việt Nam (bất kỳ ai, chỉ trừ bạn ra không được nhận uỷ quyền) thay mặt họ làm thủ tục khai nhận di sản.

Khi làm văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế thì bắt buộc phải có đầy đủ những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất, trừ trường hợp có Văn bản từ chối nhận di sản. Nếu việc chia thừa kế thiếu chị gái của bạn mà không có giấy ủy quyền thì văn bản thỏa thuận này là vô hiệu. Sau này chị gái bạn hoàn toàn có quyền khởi kiện lên Tòa án yêu cầu phân chia lại di sản thừa kế.

Vì vậy để căn nhà này thuộc quyền sở hữu riêng của bạn, thì phải bảo đảm những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất họ đều tặng lại phần di sản mà họ được hưởng cho bạn, đồng thời được thể hiện rõ trong Văn bản thoả thuận phân chia di sản thừa kế (có chữ ký của những người đó và công chứng hoặc chứng thực).

Trường hợp có di chúc để lại và di chúc này là hợp pháp, việc chia thừa kế có yếu tố nước ngoài vẫn được thực hiện theo bản di chúc này.

Luật sư Tán Lê Thảo Duyên

Văn phòng luật sư Dĩ An Bình Dương