Thủ tục cấp Giấy xác nhận là người gốc Việt Nam

giay-xac-nhan-nguoi-goc-viet

Hiện nay, quyền mua nhà ở của Việt kiều không khác gì người Việt trong nước và thủ tục người Việt kiều sở hữu nhà cũng đã đơn giản hơn rất nhiều. Tuy nhiên, để có thể tham gia vào các giao dịch nhà đất tại Việt Nam thì Kiều bào cần phải chứng minh được mình là người Việt Nam hoặc đã từng là người Việt Nam. Trong bài viết này, Luật sư Dĩ An Bình Dương sẽ hướng dẫn Kiều bào thủ tục xin cấp giấy xác nhận là người gốc Việt Nam, mời bạn tham khảo tại đây.​

1. Cơ sở pháp lý

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 13 Thông tư liên tịch 05/2010/TTLT-BTP-BNG-BCA ngày 01/03/2010 hướng dẫn Nghị định 78/2009/NĐ-CP về hướng dẫn Luật quốc tịch Việt Nam do Bộ Tư pháp – Bộ Ngoại giao – Bộ Công an ban hành. 

Điều 13. Xác nhận có quốc tịch Việt Nam, xác nhận là người gốc Việt Nam 

2. Khi có nhu cầu xin xác nhận là người gốc Việt Nam, người yêu cầu gửi Đơn xin xác nhận là người gốc Việt Nam đến Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài hoặc Sở Tư pháp nơi người đó cư trú, trong đó ghi rõ mục đích của việc xin xác nhận là người gốc Việt Nam, kèm theo bản sảo giấy tờ chứng minh là người đã từng có quốc tịch Việt Nam mà khi sinh ra quốc tịch đó được xác định theo huyết thống.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được Đơn đề nghị xác nhận là người gốc Việt Nam, Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, Sở Tư pháp đề nghị Bộ Tư pháp tra cứu danh sách những người đã được Chủ tịch nước cho thôi quốc tịch Việt Nam và danh sách những người bị tước quốc tịch Việt Nam. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị, Bộ Tư pháp tra cứu trong hệ thống lưu trữ quốc tịch và trả lời kết quả.

Căn cứ kết quả kiểm tra và tra cứu, nếu xét thấy có đủ cơ sở để khẳng định người đứng đơn là người gốc Việt Nam, thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày hoàn tất các thủ tục kiểm tra, xem xét, Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, Sở Tư pháp trả lời bằng văn bản trong đó xác nhận người đó là người gốc Việt Nam.

2. Thủ tục xin cấp giây xác nhận là người gốc Việt Nam

Thành phần hồ sơ phải nộp

  • Tờ khai xác nhận là người gốc Việt Nam (theo mẫu số TP/QT-2013-TKXNLNGVN), kèm 02 ảnh 4×6;
  • Bản sao giấy chứng minh nhân dân, hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay thế;
  • Bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu giấy tờ chứng minh là người đã từng có quốc tịch Việt Nam mà khi sinh ra quốc tịch Việt Nam được xác định theo nguyên tắc huyết thống hoặc có cha hoặc mẹ, ông nội hoặc bà nội, ông ngoại hoặc bà ngoại đã từng có quốc tịch Việt Nam theo huyết thống.

Lưu ý: Nếu bạn có những giấy tờ liên quan đến quốc tịch Việt Nam trước đây, bạn cứ cung cấp để cơ quan giải quyết thủ tục có nhiều dữ liệu tham khảo, giúp việc xác nhận hồ sơ nhanh chóng hơn. Bao gồm:

  • Bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu Giấy tờ về nhân thân, hộ tịch, quốc tịch do các chế độ cũ cấp trước ngày 30 tháng 4 năm 1975 (nêu tại khoản 2 Điều 9 Thông tư liên tịch số 05/2010/TTLT/BTP-BNG-BCA ngày 01/3/2010 của Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an);
  • Giấy bảo lãnh của Hội đoàn người Việt Nam ở nước mà người yêu cầu đang cư trú, trong đó xác nhận người đó có gốc Việt Nam;
  • Giấy bảo lãnh của người có quốc tịch Việt Nam, trong đó xác nhận người yêu cầu có gốc Việt Nam;
  • Bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu Giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp trong đó ghi quốc tịch Việt Nam hoặc quốc tịch gốc Việt Nam.

Cơ quan giải quyết thủ tục

  • Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài (nếu đang ở nước ngoài)
  • Sở Tư pháp nơi cư trú của người yêu cầu xác nhận (nếu đang ở Việt Nam).

Trong trường hợp nộp đơn tại Sở tư pháp nơi cư trú, bạn phải cung cấp giấy tờ chứng minh nơi cư trú là một trong các giấy tờ sau đây: Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú, Thẻ thường trú, Thẻ tạm trú (nếu có), trong trường hợp không có các loại giấy tờ nêu trên thì nơi cư trú của đương sự là nơi người đó đang sinh sống và có xác nhận của Công an phường, xã, thị trấn về việc cư trú tại địa phương.